Trực giác trong kinh doanh

Trực là thẳng, giác là biết. Trực giác là nhận thức trực tiếp không thông qua suy luận bằng lí trí. Triết học duy vật cho rằng trực giác là một nhận thức đặc biệt dựa trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người, những kinh nghiệm và tri thức lí thuyết tích lũy lâu đời khiến ta đột nhiên hiểu rõ vấn đề. Như vậy, trực giác là một quá trình trong tâm thức để đánh giá tình huống và đưa ra kết luận mà không có sự can thiệp của thông tin hay phân tích thực tế.

Chúng ta nên tin vào trực giác đến mức độ nào?

Chúng ta đã biết đến những thành công của các quyết định dựa vào trực giác, nhưng trong thực tế không chuyên gia nào khuyên chúng ta chỉ nên quyết định dựa vào trực giác. Trực giác của chúng ta được hình thành dựa trên kí ức, hình tượng ngưỡng mộ, kinh nghiệm tích lũy, suy nghĩ đã định hình trong quá khứ và những định kiến cá nhân lâu dài … Eric Bonabeau nói: “Bất kì ai nghĩ rằng trực giác là thứ thay thế cho lí do đều đang tự cho phép mình rơi vào ảo tưởng đầy mạo hiểm. Tách rời khỏi sự phân tích chặt chẽ, trực giác sẽ trở thành một hướng dẫn không đáng tin cậy và dễ dàng thay đổi – có thể dẫn đến thất bại cũng nhiều như dẫn đến thành công”.

Tuy nhiên, đôi khi bạn phải dựa vào trực giác để ra quyết định, nhất là trong những tình huống cấp bách, bạn buộc phải quyết định nhanh chóng trước khi có thể thu thập và phân tích các dữ kiện liên quan. Cũng có trường hợp bạn trì hoãn quyết định khi trực giác mách bảo có cái gì đó “rắc rối”.

Những người đã nghiên cứu về vấn đề này nhất trí rằng trực giác có thể hữu ích, nhưng chỉ trong chừng mực khi được kết hợp với phân tích hợp lí. Nói cách khác, bán cầu não phải – nơi chứa sức mạnh trực giác – phải kết hợp với bán cầu não trái – nguồn gốc của sức mạnh phân tích logic. Wallace đã nói: “Chìa khóa ra quyết định là trì hoãn quyết định cho đến khi nó có ý nghĩa hợp lí và có cảm giác đúng đắn. Hai bán cầu não này phải nhất trí với nhau. Nếu không thì hãy hoãn quyết định lại. Hãy lấy thêm thông tin từ nhiều nguồn cho đến khi có được quan điểm vừa hợp lí vừa mang tính trực giác”.

Sự không chắc chắn luôn đồng hành cùng người ra quyết định và là nguồn gốc của rủi ro trong kinh doanh. Bạn sẽ không bao giờ loại trừ rủi ro nhưng bạn có thể hiểu được bản chất và tiến hành các bước để giảm thiểu.

Trước khi ra quyết định bạn hãy lưu ý các vấn đề sau đây:

+ Rà soát lại xem có những yếu tố không chắc chắn nào ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Nếu không tìm được phương án loại trừ hay giảm thiểu nó thì tốt nhất là không ra quyết định.

+ Khi thu thập các con số để chứng minh cho kết luận của mình là chính xác, hãy tự hỏi: Những nhân tố nào sẽ tác động làm các con số thay đổi không theo ý mình? Nếu các con số thay đổi trong phạm vi nào đó mình có thể chấp nhận được hay không?

+ Phán đoán khả năng xảy ra một kết quả cụ thể nên tham khảo ý kiến nhiều người có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc.

+ Hãy tính toán dựa trên những chứng cứ, dữ liệu chắc chắn không dựa vào những chứng cứ, dữ liệu chung chung, mơ hồ.

+ Cuối cùng là nên ra quyết định từng giai đoạn không ra quyết định toàn bộ quá trình.

Làm sao để rèn luyện trực giác?

Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hay mà hầu hết mọi người đều muốn nghe câu trả lời. Sau đây là một số kinh nghiệm của cá nhân tôi xin chia sẻ với các bạn để các bạn chiêm nghiệm tự rút ra một phương pháp rèn luyện trực giác cho riêng mình:

Trực giác có được trước tiên do bạn trải qua một hoàn cảnh sống phong phú và yêu thương con người. Quá trình tôi trưởng thành phải chứng kiến, chống chọi với rất nhiều biến cố xảy ra trong gia đình và bản thân mình. Hoàn cảnh sống nâng tôi lên lại đập tôi xuống cộng với cái tâm tốt khiến cho trái tim tôi rất nhạy cảm trước những nỗi đau của người khác. Như vậy, muốn có trực giác nhạy bén trước tiên phải có vốn sống phong phú, cái tâm tốt.

Tuy nhiên, để có thể hiểu được con người, hiện tượng, sự vật … nhiều hơn nữa ta phải biết lắng nghe và quan sát thật nhiều. Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích quan sát. Tôi có thể hình dung lại rõ nét tâm trạng, hơi thở, giọng nói, nét mặt, cử chỉ … của người đối diện không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào. Tôi luôn cố gắng lắng nghe cả tâm hồn người nói để hiểu hết ruột gan của họ. Một khi quan sát đạt đến độ tinh tế cao, biết lắng nghe để hiểu người khác, hiện tượng, sự vật … đến tận xương tủy bạn có thể phán đoán được xu hướng vận động của người, hiện tượng, sự vật … đó. Khi tôi lớn tôi càng ý thức rõ tầm quan trọng của quan sát. Tôi đã bỏ ra rất nhiều ngày tháng để luyện tập kĩ năng này. Một số phương pháp tập của tôi xin kể ra để các bạn tham khảo: Nhìn lướt qua một cây cầu, nhắm mắt lại hình dung về cây cầu đó xem nó có bao nhiêu thanh ngang; bốc một nắm tăm xòe ra nhìn lướt qua rồi nhắm mắt lại đếm hình ảnh trong óc xem có bao nhiêu que; cầm một cái cây bằng gỗ có chiều dài bất kì rồi nhắm mắt lại bẻ đôi đem so hai nửa với nhau xem mình có bẻ chính xác chưa …

Giả sử bạn đang xem hai đội đá banh, chợt ai đó bảo bạn đoán xem đội nào thắng? Để cho phán đoán theo trực giác trở nên chính xác, trước tiên bạn phải xem qua những trận mà hai đội đó đá để hiểu rõ lối đá của họ. Sau đó, bạn hãy nhắm mắt lại để tư duy theo cảm quan (cảm nhận của giác quan). Lúc này trong đầu bạn “màn hình video” sẽ bật lên. Nó quay lại tất cả những hình ảnh, âm thanh … mà nó ghi nhận được về hai đội bóng. Tới đây, bạn vẫn chưa thể phán đoán được mà cần phải có một bước nữa, tôi tạm gọi đó là bước “tư duy trong tưởng tượng” hay “tư duy mô hình hóa”. Nghĩa là, trong đầu bạn sẽ tự “biên tập” một “video” quay về cảnh trận đấu chưa diễn ra giữa hai đội bóng. Quá trình này cần diễn ra trong trạng thái tĩnh lặng, khách quan để ta có thể tập trung cao độ. Bởi chỉ có tập trung cao độ tư duy, trực giác của con người mới phát triển cao nhất. Như vậy, trình độ thấu hiểu, quan sát, tập trung có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phán đoán.

Bác Hồ có nói: “Nhân ưu sầu ưu điểm đại” (nghĩa là người hay lo nghĩ nhiều là người có ưu điểm lớn). Muốn giải quyết một vấn đề nào đó đôi khi chúng ta phải luôn để tâm đến nó (ngay cả trong giấc ngủ), rồi sẽ đến một ngày nào đó óc chúng ta bật ra một giải pháp hiệu quả nhất.

Để trực giác của mình ngày càng chính xác bạn hãy bỏ thời gian đọc thật nhiều sách, đặc biệt là sách về các tấm gương thành đạt; sách làm cho tâm hồn bạn rung động (nhưng không ướt át); sách chỉ ra những qui luật để tư duy logic, hiểu tâm lí con người; sách nghiên cứu về các hiện tượng, mô hình kinh doanh, khái niệm cơ bản, cách nuôi con này con kia … (những sách cung cấp tri thức khoa học căn bản) …

Bằng cách thường xuyên rèn luyện trực giác kết hợp với 5 lưu ý khi ra quyết định tôi đã đề cập ở trên, chắc chắn bạn sẽ trở thành người rất ít sai sót trong cuộc sống nói chung và trong kinh doanh nói riêng.

Tôi đã tham khảo rất nhiều diễn đàn, trang web … trước khi đặt bút viết bài này. Hầu hết các diễn đàn, trang web … ấy đều nêu ra định nghĩa về trực giác rất khó hiểu, và không diễn đàn, trang web … nào chỉ ra phương pháp phát huy trực giác tốt nhất. Những gì tôi viết ở trên rất ngắn gọn, dễ hiểu nhưng nếu nghiền ngẫm kĩ thì đó là cả một phát hiện quí báu về phương pháp phát huy trực giác. Cầu cho những ai biết trân trọng tri thức sẽ đạt đến bến bờ thành công trong tương lai không xa.

 

Chat Master Club

07/07/2012

Comments
2 Responses to “Trực giác trong kinh doanh”
  1. Nga Nguyen nói:

    thank you so much!

  2. Minh nói:

    Bài rất hay, thiền định là cách để nâng cao trực giác của bản thân.

Gửi phản hồi cho Nga Nguyen Hủy trả lời